Đèn lồng Việt Nam làm thủ công từ tre và giấy gió, tô vẽ bên ngoài đèn là những nét vẽ đường thêu vô cùng đặc sắc, tùy theo sở thích sẽ có những đèn lồng to tận 2 mét được làm rất kì công và tỉ mỉ.
Những chiếc đèn với vô số hình dáng từ bướm, cá, thỏ đến máy bay, tàu,.…vô cùng xinh đẹp sáng rực đêm trung thu.
Chị Loan là một trong những truyền nhân đời thứ 3 của nghề làm lồng đèn truyền thống ở Sài Gòn, chia sẻ: “trước cả xóm đều làm lồng đèn, nhưng vì cạnh tranh về giá và thị trường nên dần người ta cũng nghỉ hết chỉ còn vài gia đình vẫn còn duy trì nghề này!”
Tất cả các công đoạn để sản xuất được hơn mấy trăm nghìn cái để phục vụ dịp lễ được chuẩn bị từ đầu năm, từ khâu mua tre, gọt và làm khung. Từng những khung bình thường đến những đèn lồng to, phức tạp đều được chuẩn bị rất kĩ.
Tất cả đều được làm thủ công, vào mùa thì cả gia đình đều cùng nhau mỗi người một khâu để có thể cho ra những chiếc đèn lồng ưng ý nhất.
Những nét vẽ thuần thục, nhuần nhuyễn để tô thêm màu sắc và nét đặc trưng cho từng chiếc đèn lồng. Mỗi ngày ở đây có thể sản xuất thủ công ra tầm 1 ngàn chiếc lồng đèn để kịp tiến độ giao khách.
Đèn lồng được làm cho trẻ em vui chơi là chính nên có rất nhiều hình dáng dễ thương và bắt mắt.
Ở Sài Gòn mỗi dịp Trung Thu người dân sẽ đến Phố Lồng Đèn ở Lương Nhữ Học để chụp hình, mua lồng đèn và ở đây mọi người sẽ thấy rất rõ không khí Trung Thu đang ngập tràn với rất nhiều mẫu mã, sự vui thích khi ngắm đèn lồng của người dân từ trẻ em đến người lớn.
Đèn lồng truyền thống luôn là một kỉ niệm, món đồ chơi mà ở mọi lưa tuổi ai cũng sẽ dành cho nó một loại tình cảm rất trân quý. Nghề làm lồng đèn chính là một nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam, hy vọng rằng gia đình chị Loan vẫn sẽ giữ được nét văn hóa độc đáo này.